Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây với sự tham gia của nhiều nhà phân phôi lớn. Tuy nhiên, dư địa thị trường vẫn còn nhiều cơ hội cho những người đến sau nếu họ biết tận dụng công nghệ và sự khác biệt.
Những siêu thị thông minh và những dịch vụ đặc biệt
Nielsen cho biết các nhà bán lẻ trên thế giới hiện đang đi theo 5 khuynh hướng, bao gồm: đưa ra ý tưởng mới, dịch vụ, nhãn hiệu riêng, marketing và hoạt động xã hội, phát triển bền vững.
Ví dụ đối với ý tưởng mới, hiện nay nhiều nhà bán lẻ đã hướng đến một siêu thị không người lái với Robomart.
Hình thức này được mô tả là khách hàng sẽ đặt mua sản phẩm qua ứng dụng trên điện thoại di động và hàng hoá sẽ được vận chuyển bằng xe không người lái. “Cảm biến cho phép khách hàng xem sản phẩm đã mua, dữ liệu thời gian thực và thông tin giá cả trên màn hình. Robomart đi được tới hơn 40km mỗi lần”, Nielsen cho biết.
Với dịch vụ, một trong những điểm cạnh tranh giữa các đơn vị bán lẻ là thời gian giao hàng. Khách hàng thường tỏ ra nôn nóng và mong muốn hàng hoá được giao càng nhanh càng tốt.
Nhà bán lẻ Lidl Italy, để có được dịch vụ giao hàng online hoả tốc, đã hợp tác với công ty vận chuyển SuperMercato24 để giao hàng nhanh chóng trong vòng 1 giờ. Hay Walmart với trung tâm công nghệ cao hợp nhất có khả năng xử lý gấp 3 lần trong chuỗi cung ứng rộng 340.000 feet vuông để tăng hiệu quả và tốc độ chuỗi cung ứng.
Các nhà bán lẻ cũng tung ra các nhãn hiệu riêng của mình, như Tesco với sản phẩm bánh giàu chất xơ, theo đó đề xuất lối sống khoẻ mạnh hơn.
Hoạt động marketing cũng được chú trọng với những hình thức mới mẻ, độc đáo. Walgreens đang thí nghiệm cửa làm lạnh điện tử với màn hình quảng cáo công nghệ Iot.
Nó được mô tả là mành hình hiển thị hình ảnh kỹ thuật số, thông tin quảng cáo của đồ uống và sản phẩm được cá nhân hoá theo độ tuổi, giới tính… dựa trên nhận dạng khuôn mặt…
Cuộc chơi tại Việt Nam sẽ như thế nào?
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết thị trường bán lẻ Việt Nam có 8 phân khúc chủ yếu với sự góp mặt của các nhà bán lẻ lớn gồm: đại siêu thị/trung tâm phân phối, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm phức hợp, siêu thị, siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi/cửa hàng chuyên dụng, siêu thị điện máy, bán lẻ trực tuyến và bán hàng qua truyền hình.
“Với đặc điểm về vốn, kinh nghiệm, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ lựa chọn phân khúc riêng hoặc cố gắng hiện diện ở tất cả các phân khúc như Saigon Co.op hay Vingroup”, bà nói.
Còn đối với doanh nghiệp ngoại, cái tên hiện diện nhiều phân khúc nhất tại thị trường bán lẻ Việt Nam là Central Group của Thái Lan, Aeon của Nhật và Lotte của Hàn Quốc…Trong tương lai, thị trường có thể ghi nhận thêm chuỗi bán lẻ của Auchan (Pháp) với kế hoạch phủ kín khu vực phía Bắc bằng 20 siêu thị đến năm 2020.
“Tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa”, bà nói và cho biết thời gian vừa qua, các doanh nghiệp lớn của nước ngoài đã liên tục gia tăng thị phần và dự báo nhiều khả năng sẽ còn tăng với tốc độ rất nhanh trong thời gian tới.
Tuy nhiên như chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận định: “Giai đoạn 2018-2020 thực sự sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm mà sự cạnh tranh mạnh mẽ sẽ quyết liệt hơn giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài”.
Với sự phát triển của công nghệ, ông Phú cho rằng đây là cơ hội để các doanh nghiệp nội đi nhanh hơn để nâng cao sức cạnh tranh. Bởi ông nhấn mạnh lợi thế “địa phương”, hiểu rõ thói quen tiêu dùng của khách hàng cũng như những mạng lưới có sẵn trước đó.
Mặt khác, doanh nghiệp nội cũng cần phải thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển quỹ hàng hóa Việt để nâng cao năng lực cạnh tranh ngay ở thị trường trong nước.
“Nhà nước cũng cần hỗ trợ để có những tập đoàn lớn và bán lẻ có đủ lực để dẫn dắt thị trường”, ông nói.
Thị trường bán lẻ của Việt Nam cũng đã có nhiều thay đổi so với trước đó. Các khách hàng, theo ghi nhận của Nielsen đang dần yêu thích sự tiện lợi, quan tâm đến sức khoẻ, ưa chuộng sản phẩm cao cấp, thích sự kết nối. Và một vấn đế khác mà các doanh nghiệp cần quan tâm, chính là nhóm khách hàng thuộc thế hệ Z với phong cách hoàn toàn khác biệt.
Do vậy, đơn vị này đưa ra thông điệp rằng các nhà bán lẻ cần phải đáp ứng những xu thế này, trên nền tảng khai thác công nghệ, đồng thời cần đảm bảo yếu tố mới lạ nhằm kích thích mua sắm và sự trung thành của khách hàng.
N.Dương/Nguồn: Trí thức trẻ